Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012


Tạo ra sản phẩm mới là con đường đi tắt để vượt qua khủng hoảng tiến đến phát triển đột phá

Thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến hồi kết, mặc dù có một vài dấu hiệu lạc quan cho thấy cuộc khủng hoảng đã chạm đáy. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định trong vòng 2 năm nữa, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta, những CEO, là làm thế nào để tiếp tục sống sót và vững mạnh hơn để sẵn sàng cho một cuộc chiến mới một khi cuộc khủng hoảng kết thúc?

ĐÀO THANH PHONG – Trợ lý Q. Phó Tổng Giám đốc
Công ty APAVE Việt Nam & Đông Nam Á

Theo quan điểm của cá nhân tôi – là CEO của một doanh nghiệp trên 700 con người, thì cuộc khủng hoảng là giai đoạn tất yếu của nền kinh tế. Giống như vòng “Sinh-Lão- Bệnh-Tử”  của đời người, vòng đời của doanh nghiệp hay của một dòng sản phẩm nào đó cũng phải tuân thủ các trình tự này. Vì thế nền kinh tế cũng tuân theo vòng “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” và cuộc khủng hoảng là giai đoạn “bệnh” của nền kinh tế.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng còn là điều kiện cần để phát triển nền kinh tế. Nó cũng giống như một bộ lọc, sẽ gạn bỏ tất cả các doanh nghiệp hay sản phẩm lỗi thời, không thích ứng với nhu cầu của thị trường và ngược lại sẽ tạo một bước nhảy vọt cho những doanh nghiệp biết nắm vững cơ hội, nhạy bén trên thương trường và làm nảy sinh ra những sản phẩm mới. Thật vậy, các nhà sản xuất lớn đã  nhanh chóng nắm bắt được các cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng, và nghiên cứu đưa ra những sản phẩm có tính năng vượt trội hơn, ví dụ như Toyota đã cho ra đời các dòng xe chạy bằng năng lượng sạch với mong muốn thay thế các dòng xe lỗi thời.

Như vậy, nếu xem cuộc khủng hoảng là cơn bệnh thì liều thuốc “an thần” đầu tiên của doanh nghiệp đó là “cải tổ”. Chúng ta đều biết bài toán đơn giản của Kinh tế học, lợi nhuận chính là hiệu của doanh thu và chi phí. Trong thời khủng hoảng, việc giữ được con số doanh thu là điều khó mà muốn tăng nó lại càng khó hơn nữa. Do vậy, để tăng lợi nhuận hay không muốn giảm lợi nhuận thì phải giảm chi phí. Muốn giảm chi phí, doanh nghiệp phải thực hiện việc cải tổ lại tổ chức, sắp xếp lại nguồn nhân lực, phân chia lại nguồn tài chính, cắt bỏ những chi phí không cần thiết, tìm ra điểm mạnh và yếu của các dòng sản phẩm của mình. Đồng thời phải mạnh dạn “chữa trị” các tì vết, các “chỗ nhiễm bệnh”của mình. Có như thế, doanh nghiệp mới có thể khống chế được cơn bệnh và sống sót sau cơn khủng hoảng.

Nếu xem khủng hoảng là điều kiện cần để phát triển thì việc tạo ra sản phẩm mới hay dịch vụ mới chính là con đường để tiến đến sự phát triển đột phá của doanh nghiệp. Thật vậy, ngay khi cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt dòng sản phẩm của Công ty Apple, chiếc điện thoại cầm tay Iphone 3GS, vừa mới xuất xưởng đã được bán hết toàn bộ trong vòng 24h trên thị trường. Tôi thiết nghĩ “hiện tượng” chiếc điện thoại Iphone 3GS là một bằng chứng thực tế cho thấy tầm quan trọng của việc sáng tạo ra sản phẩm mới trong giai đọan khủng hoảng.

Bên cạnh đó, nếu xem sự sáng tạo ra sản phẩm mới là điều kiện cần cho bước nhảy vọt của doanh nghiệp thì điều kiện đủ chính là mức độ đáp ứng của sản phẩm đó đối với nhu cầu của khách hàng. Chính vì thế, sự sáng tạo ra sản phẩm mới, được xem là thành công khi có sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận với nhau, thể hiện khả năng lãnh đạo của CEO.

Nhìn lại - một số doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong thập niên qua, đa phần bộ phận Sales & Marketing là bộ phận được đánh giá là quan trọng nhất, bởi một điều rất dễ hiểu là vì bộ phận này trực tiếp tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các bộ phận khác như bộ phận Kỹ thuật đã không được coi trọng và đầu tư đúng mức. Chính vì quan điểm này mà sản phẩm của bộ phận Kỹ thuật trong công ty thường đơn thuần chỉ là sự copy, thiếu tính sáng tạo, đôi khi sự copy này lại không phù hợp và không đáp ứng được nhu cầu của hiện trạng nền kinh tế Việt Nam. Nếu tiếp tục theo đường lối này thì “bước nhảy vọt” hay “sự đột phá” trong kinh doanh, theo tôi, chỉ là chuyện “nhiệm mầu” hay “phép lạ”.

Trong giai đoạn khủng hoảng này, là CEO phải biết nhận định được cơn bệnh của doanh nghiệp mình, tìm ra được phương thuốc chữa trị. Đồng thời, phải mạnh dạn dùng thuốc để có thể tạo ra bước nhảy vọt cho doanh nghiệp, đó mới thể hiện được cái tầm và cái tâm của CEO.

Tư vấn giám sát công trình

Để đảm bảo chất lượng tốt cho một công trình xây dựng, ngoài việc lựa chọn được một nhà thầu thiết kế giỏi, một nhà thầu thi công tốt thì bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò và tầm quan trọng của nhà thầu tư vấn giám sát. Như vậy, vai trò của tư vấn giám sát là:
  • Đảm bảo việc thi công xây lắp được thực hiện đúng hồ sơ thiết kế.
  • Phát hiện, xử lý các chi tiết công trình mà nhà thầu và chủ đầu tư không rõ.
  • Hỗ trợ Chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xử lý các sai sót tại hiện trường.
  • Phạm vi công việc tư vấn sẽ bao gồm các dịch vụ sau:
    • Giám sát chất lượng thi công công trình
    • Kiểm tra biện pháp thi công và an toàn lao động.
    • Giám sát tiến độ thực hiện công việc.
    • Giám sát và thử nghiệm chất lượng vật liệu xây dựng
    • Kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công.
    • Nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định.
    • Xác nhận bản vẽ hoàn công công trình.

Vai trò thẩm tra thiết kế đối với quản lý dự án

Thẩm tra thiết kế là một công đoạn quan trọng trong tiến trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đã được nhà nước quy định rất cụ thể trong các Thông tư, Nghị định, Luật liên quan đến xây dựng tại Việt Nam.

Qua những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư vấn xây dựng tại Việt Nam, chúng tôi xác định công tác thẩm tra được thực hiện tốt sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho việc quản lý và điều hành dự án. Đó là :  
1. Đảm bảo chất lượng dự án
2. Đảm bảo tiến độ thi công dự án
3. Đảm bảo chi phí hợp lý của dự án

Tại sao lại như vậy?

 1. Đảm bảo chất lượng dự án
Trước tiên chúng ta đều thấy rằng chất lượng công trình bắt đầu từ khâu khảo sát thiết kế. Tuy nhiên, hầu như các hồ sơ thiết kế đều có vấn đề như về bố cục và công năng chưa phù hợp, giải pháp kết cấu không hợp lý, tính toán kết cấu chỗ dư, chỗ thừa. Các hệ thống kỹ thuật M&E không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, kiến trúc đá với kết cấu, M & E,… Do đó, nếu đơn vị thẩm tra có đủ năng lực và trách nhiệm thì sẽ giúp chủ đầu tư khắc phục được những vấn đề chưa phù hợp của hồ sơ thiết kế, góp phần đảm bảo chất lượng dự án.

2. Đảm bảo tiến độ thi công dự án
Thứ hai là khi hồ sơ thiết kế được thẩm tra kỹ sẽ hạn chế các vấn đề khi triển khai thi công như : Xây rồi nhưng do thiết kế sai phải đập đi làm lại; hoặc thiết kế sai sót phải mất thời gian chờ đơn vị thiết kế chỉnh sửa/bổ sung. Tất nhiên, nếu thi công không phải những vấn đề trên thì tiến độ thi công sẽ rất nhanh và công trình sẽ hoàn thành kịp thời gian quy định.

3. Đảm bảo chi phí hợp lý của dự án
Kế tiếp công tác thẩm tra được thực hiện kỹ và kịp thời sẽ giúp Chủ đầu tư, Ban QLDA chọn được giảp pháp tối ưu về mặt kiến trúc, kết cấu với chi phí hợp lý, đồng thời hạn chế được các chi phí phát sinh trong giai đoạn thi công do thiết kế thiếu. Từ đó khống chế được chi phí dự án nằm trong dự trù vốn ban đầu của Chủ đầu tư và Ban QLDA. (Apave)